Người sát sinh nhiều sẽ tạo nghiệp, hứng chịu vận xui xẻo. Vậy nên theo giáo lý nhà Phật, phóng sinh là hành động đẹp nhằm cứu thả các sinh mạng mắc nạn, kéo dài tuổi thọ cho người cứu và vật được cứu. Bài viết này Hoatieu.vn sẽ chia sẻ đến bạn cách phóng sinh đơn giản tại nhà.
1. Phóng sinh là gì?
Phóng sinh (Tsethar) là một hành động và nghi lễ truyền thống trong Phật giáo chỉ về cách thực hành để cứu súc vật, chim chóc, cá khỏi bị giết hại hay giam nhốt. Phóng sinh thường được hiểu đơn giản là khi gặp một con vật bị nạn, thì ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, thì bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Phóng sinh là trao cho sinh vật nào đó cơ hội tiếp tục sống.
2. Nghi thức phóng sinh ngày ông công ông táo đơn giản tại nhà
Truyền thuyết kể lại rằng: “Hàng năm, Táo quân được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện – ác của loài người. Sau đó, cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người”. Đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình. Bởi thế cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng cá chép. Người dân thường chuẩn bị hai hoặc ba con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem “phóng sinh” ở sông, ao, hồ, nghĩa là để đưa ông Táo về trời.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Nguyễn Cung Hà Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người; Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông cho biết: “Các gia đình thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp là dựa trên sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng. Trong tất cả các loài sống dưới nước chỉ có cá chép là có thể vượt qua vũ môn lên trời và hoá thành rồng được”. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) thì mới kịp lên Thiên đình. Do vậy, ngay từ tối ngày 22 đến sáng sớm 23 tháng Chạp, người người đã bắt đầu thả cá ra sông, suối, hồ nước gần nhà. Thả cá chép thế nào cho vừa đúng ý nghĩa tâm linh, vừa đúng mục đích tái tạo nguồn lợi bảo vệ môi trường không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ. Nhiều người không phải thả cá mà đổ, ném, quăng cá hoặc ném luôn cả túi ni lông chứa cá xuống ao, hồ. Như vậy không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn thể hiện thái độ bất kính, sai ý nghĩa, chuẩn mực với phong tục cổ truyền của dân tộc.
Thả cá chép đúng cách là thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông, hồ để cá còn có cơ hội được sống. Nhiều người cẩn thận còn thắp hương cầu khấn những điều tốt lành cho bản thân, gia đình rồi mới từ từ để cá chép bơi xuống mặt nước với lòng thành kính, thiêng liêng nhất. Có như vậy con người mới mong tìm được sự bình an trong tâm linh và bảo vệ môi trường sống xung quanh.
Mua cá chép giấy thay vì mua cá sống
Trước kia, cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo, người Việt lại làm lễ cúng cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là “phóng sinh” để đưa ông Táo về trời. Ngày nay, tục phóng sinh cá chép vẫn còn một số gia đình ưa chuộng. Tuy nhiên thời gian gần đây, để giản tiện hơn, một số gia đình mua cá giấy thay cho cá sống. Sau khi cúng xong sẽ đem đốt cùng các đồ cúng khác. Việc làm này vừa giản tiện, đỡ tốn thời gian, đồng thời cũng tiết kiện chi phí cho gia chủ. Hơn nữa, đốt cá chép giấy, ông Công ông Táo vẫn có thể sử dụng để lên chầu trời thay vì phóng sinh cá sống.
Thả cá ở sông thật xa và rộng
Nếu như trước kia, người dân có thể thả cá chép ở sông, hồ, ao ở gần nhà thì ngày nay, họ phải đi rất xa mới dám thả cá xuống. Bởi những năm gần đây, một số người vì lợi ích kinh tế mà đã làm nghề vớt cá ở những nơi người dân hay thả để về bán tiếp, hoặc sử dụng với mục đích của mình. Vì thế dẫn đến tình trạng cá chầu trời vừa được thả đã bị vớt, bị giết… mất đi ý nghĩa nhân văn của phong tục thả cá chép.
Vì thế, thay vì thả cá ra sông hay hồ ở gần nhà thì họ lại phải đi rất xa để thả với mong muốn cá chép sẽ đến được chỗ ông Táo để chở ông về chầu trời.
3. Nghi lễ phóng sinh ngày rằm tháng giêng
Nhiều người tuy có tinh thần phóng sinh nhưng lại coi đây như một nghi lễ mang tính hình thức, muốn tư lợi cho bản thân. Một số sai lầm mọi người thường mắc phải khi phóng sinh là phóng sinh vào môi trường ô nhiễm hoặc không để ý nên sinh vật có thể bị chết, ngạt thở trước khi được phóng sinh. Người ta thường phóng sinh cá chép, cá cảnh, chim sẻ, chim ri, bồ câu, cua, lươn, ốc, rùa...
Những điều cần lưu ý khi phóng sinh:
Việc phóng sinh cần xuất phát từ lòng từ bi, tâm trong sáng. Nếu cúng phóng sinh tại nhà thì nên làm lễ cúng ngắn gọn, chờ hương tàn 1/3 và mang các con vật đi thả.
Khi phóng sinh cần thực hiện âm thầm, nên chọn nơi vắng vẻ để không khởi lên lòng tham của những người săn bắt.
Nên chọn địa điểm thuận lợi để các con vậy có thể sống được sau khi phóng sinh về môi trường tự nhiên, chẳng hạn như không thả cá ở nơi ao tù, nước đọng hay nguồn nước bẩn mà nên chọn môi trường sạch sẽ.
Không nên thả những con vật có thể gây hại cho môi trường và con người như rắn độc, rắn hổ mang, ốc bươu vàng, chuột...
Việc phóng sinh cần phù hợp với môi trường. Không xả rác thải, túi nilong một cách bừa bãi tại khu vực thả. Sau khi thả sinh vật thì nên chờ nó bơi khuất thì hãy đứng dậy đi về.
Khi thả có thể đọc thêm bài Chú Đại bi hoặc niệm Phật để tiếp duyên cho các con vật được phóng thích.
Ngoài ra, con người có thể thực hiện phóng sinh bằng cách hành động nhỏ như giúp cá mắc cạn, chim sa lưới, chó mèo sắp bị làm thịt… được về môi trường sống tự nhiên.